Cách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

Cách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

675

Việc thu hồi và xử lý các khoản nợ vẫn luôn là vấn đề nan giải với mọi doanh nghiệp. Và một trong những phương án được lựa chọn để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ các khoản nợ khó đòi là thực hiện trích lập dự phòng cho những khoản nợ khó đòi. Cùng bài viết đi tìm hiểu về cách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

  1. Dự phòng nợ phải thu khó đòi là gì?

Nợ phải thu khó đòi là các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán trên 06 tháng kể từ thời điểm kết thúc thời hạn nợ, mà doanh nghiệp vẫn chưa thể thu hồi được dù đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ.

Dự phòng nợ phải thu khó đòi là ước tính về phần giá trị có thể bị tổn thất từ việc không thu hồi được các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán hoặc do khách nợ mất khả năng thanh toán.

  1. Cách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

Các khoản nợ phải thu là phần vốn mà doanh nghiệp đang bị các cá nhân, tổ chức khác chiếm dụng tạm thời, và khi những khoản nợ đó được xác định là khó đòi thì đồng nghĩa với việc khả năng doanh nghiệp bị mất vốn là rất cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài chính cũng như kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp. Do đó để giảm thiểu hậu quả của các khoản nợ phải thu khó đòi thì các doanh nghiệp đều thực hiện việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo các chế độ kế toán và thông tư hướng dẫn mà Bộ tài chính đã ban hành.

Xem thêm: Những lưu ý về kết chuyển doanh thu trong doanh nghiệp

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong doanh nghiệp sẽ có rất nhiều khoản nợ, nhưng không phải khoản nào cũng được trích lập dự phòng. Do đó, việc đầu tiên khi đi trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là phải đi xác định được khoản nợ nào đủ điều kiện được trích lập. Cụ thể đó là những khoản nợ đầy đủ chứng từ gốc chứng minh về số tiền đối tượng nợ, gồm hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ, biên bản thanh lý hợp đồng (nếu có), đối chiếu hoặc đề nghị xác nhận công nợ, bảng kê công nợ cùng các chứng từ khác có liên quan (nếu có). Đồng thời, phải có căn cứ để xác định khoản nợ phải thu khó đòi, cụ thể cần chứng minh được là:

+ Nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ.

+ Đối tượng nợ đã lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, hoặc là người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

Sau khi xác định được các khoản nợ phải thu khó đòi thì tiến hành đi trích lập dự phòng cho các đối tượng đó theo mức trích lập mà Bộ tài chính đã quy định, cụ thể:

- Với nợ phải thu quá hạn thanh toán thì:

+ Trích lập 30% giá trị với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm;

+ Trích lập 50% giá trị với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm;

+ Trích lập 70% giá trị với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm;

+ Trích lập 100% giá trị với các khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

- Với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đặc thù như cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau hay những doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa cho trả chậm, trả góp thì mức trích lập dự phòng như sau:

+ Trích lập 30% giá trị với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng;

+ Trích lập 50% giá trị với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng;

+ Trích lập 70% giá trị với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng;

+ Trích lập 100% giá trị với các khoản nợ phải thu từ 12 tháng trở lên.

- Còn với các khoản nợ phải thu khó đòi do nguyên nhân là do đối tượng nợ đã lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, hoặc là người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết, thì doanh nghiệp trích lập dự phòng căn cứ vào dự kiến về mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng nhưng tối đa không quá giá trcủa khoản nợ đang được ghi nhận trên sổ kế toán.

Và việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi sẽ được thực hiện vào thời điểm lập báo cáo tài chính năm. Và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đúng bằng số liệu tính toán dựa trên giá trị nợ phải thu khó đòi, mà còn căn cứ vào số dư của khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ báo cáo năm trước đang được ghi trên sổ kế toán. Cụ thể:

+ Nếu số dự phòng phải trích lập bằng số dư của khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ báo cáo năm trước đang được ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp không được trích lập bổ sung khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi.

+ Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư của khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ báo cáo năm trước đang được ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi đùng bằng số chênh lệch đó.

+ Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư của khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ báo cáo năm trước đang được ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch đó.

Với công tác trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi thì cần lưu ý đến trường hợp là cùng một đối tượng nợ vừa có phát sinh cả nợ phải thu và nợ phải trả với doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng trên cơ sở số còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả của đối tượng đó. Cụ thể, mức trích lập dự phòng của từng khoản nợ phải thu khó đòi được tính theo tỷ lệ (%) của khoản nợ phải trích lập theo thời hạn quy định nhân với tổng nợ còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả.

Xem thêm: Phần mềm quản lý bán hàng của BRAVO