Trong công tác xác định kết quả hoạt động kinh doanh thì ngoài việc ghi nhận doanh thu, kế toán còn phải đi hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu. Cùng bài viết đi tìm hiểu về các khoản giảm trừ doanh thu và cách hạch toán các khoản đó trong doanh nghiệp.
- Các khoản giảm trừ doanh thu là gì?
Các khoản giảm trừ doanh thu là những khoản phát sinh sau khi kế toán đã ghi nhận doanh thu cho hàng đã bán. Những khoản giảm trừ doanh thu phát sinh sẽ buộc kế toán phải điều chỉnh giảm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ mà doanh nghiệp đã ghi nhận trong kỳ kế toán.
Các khoản giảm trừ doanh thu trong doanh nghiệp gồm có: chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và hàng bán bị trả lại.
Có thể bạn quan tâm: Những lưu ý về báo cáo công nợ mà kế toán bán hàng cần quan tâm.
- Cách hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu:
- Chiết khấu thương mại
Chiết khấu thương mại là một chính sách giảm giá mà doanh nghiệp áp dụng với các khách hàng mua hàng với số lượng lớn.
Chiết khấu thương mại sẽ được hạch toán là một khoản làm giảm trừ doanh thu của doanh nghiệp khi việc chiết khấu thương mại được thực hiện cho những đơn hàng tiếp theo, chứ không phải được giảm trừ ngay vào tiền hàng của chính đơn hàng đang thực hiện.
Có thể nói, chiết khấu thương mại là khoản chi phí mà doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra để thúc đẩy việc bán hàng cũng như là chính sách khuyến mãi với những khách hàng mua nhiều của doanh nghiệp.
Khoản chiết khấu thương mại sẽ được kế toán ghi nhận thông qua việc sử dụng TK 5211 để hạch toán. Cụ thể như sau:
Khi phát sinh khoản chiết khấu thương mại thì kế toán ghi:
Nợ TK 5211 – Chiết khấu thương mại
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu doanh nghiệp hạch toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ)
Có TK 111, 112, 131, …
Xem thêm: Tiềm năng thị trường Sữa bột trẻ em ở nông thôn
- Giảm giá hàng bán
Nếu như chiết khấu thương mại được coi như một khoản doanh nghiệp chủ động có chính sách ưu đãi cho khách hàng, thì giảm giá hàng bán lại là một khoản doanh nghiệp buộc phải chấp nhận giảm tiền hàng phải thu do hàng hóa, dịch vụ giao cho khách không đáp ứng đủ điều kiện về chất lượng như hai bên đã thỏa thuận.
Khoản giảm giá hàng bán sẽ được kế toán bên bán hàng hạch toán qua TK 5213, cụ thể như sau:
Nợ TK 5213 – giảm giá hàng bán
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu doanh nghiệp hạch toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ)
Có TK 111, 112, 131, …
Kế toán cũng cần lưu ý là khoản giảm giá hàng bán này được ghi nhận là khoản giảm trừ doanh thu khi khoản này phát sinh sau khi kế toán đã ghi nhận doanh thu và xác nhận là hàng đã bán.
- Hàng bán bị trả lại
Cũng như giảm giá hàng bán thì hàng bán bị trả lại là khoản mà doanh nghiệp chấp nhận bị giảm trừ doanh thu do hàng hóa không đúng quy cách, phẩm chất theo yêu cầu.
Hàng bán trả lại cũng là sự việc phát sinh sau bán hàng, khi đó kế toán ghi nhận khoản giảm trừ doanh thu này như sau:
Nợ TK 5212 – hàng bán trả lại
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu doanh nghiệp hạch toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ)
Có TK 111, 112, 131,...
Xem thêm: Phần mềm quản lý bán hàng của BRAVO