Hàng bán bị trả lại là vấn đề thường xuyên xảy ra trong bất kỳ một doanh nghiệp thương mại, phân phối. Bởi vậy việc hạch toán hàng bán bị trả lại là nội dung nhận được nhiều quan tâm của tất cả các đối tượng làm nghề toán.
1. Tìm hiểu về khái niệm hàng bán bị trả lại
Hàng bán bị trả lại được hiểu là các sản phẩm đã hoàn thành quá trình tiêu thụ nhưng do có sai phạm về các tiêu chuẩn cam kết ban đầu được công bố với cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Đó có thể là các lỗi về chất lượng, chủng loại, quy cách, thành phần, … Phần doanh thu hàng bán bị trả lại là một khoản giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ. Cuối kỳ khoản doanh thu này sẽ được kết chuyển để xác định doanh thu thuần thực tế trong kỳ.
2. Cách xử lý tình huống hàng bán bị trả lại:
Đối với bên người bán cần lưu ý:
+ Điều chỉnh doanh thu bán hàng thực tế trong kỳ theo giá trị hàng bán bị trả lại. Cuối kỳ phải thực hiện kết chuyển để tính toán số liệu doanh thu thuần của doanh nghiệp để gửi trình Ban lãnh đạo, người quản lý.
+ Ngoài ra kế toán viên cũng có thể linh hoạt sử dụng các cách khác làm giảm trừ doanh thu như: chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán…
+ Để khắc phục tình trạng hàng bán bị trả lại, doanh nghiệp cũng có thể thương lượng thêm với người mua bằng việc giảm giá bán lô hàng hoặc một điều kiện phù hợp khác để người mua có thể tiếp tục chấp nhận mua hàng.
Đối với bên người mua cần lưu ý
+ Nếu người mua là Công ty, doanh nghiệp hoặc tổ chức có hóa đơn thì việc trả lại hàng cho bên bán cần xuất kèm hoá đơn (đơn hàng mua trên hóa đơn phải đúng bằng đơn giá mua vào trên hoá đơn mua).
+ Nếu người mua là cá nhân thì phải lập Biên bản số lượng, giá trị hàng bán bị trả lại và có chữ ký của bên bán.
3. Cách hạch toán hàng bán bị trả lại:
Tùy thuộc vào thực tế doanh nghiệp đang thực hiện theo chế độ kế toán của thông tư bao nhiêu thì sẽ có cách hạch toán hàng bán bị trả lại khác nhau:
3.1. Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 200
-
Đối với bên bán hàng:
Bút toán ghi nhận hóa đơn trả lại hàng:
Nợ 5212: Tổng giá trị hàng bán bị trả lại
Nợ 3331: Thuế GTGT của số hàng bị trả lại
Có 131/111/112: Số tiền phải trả lại cho bên mua
Bút toán kết chuyển doanh thu cuối kỳ:
Nợ 511: Giá trị hàng bán bị trả lại
Có 5212: Giá trị hàng bán bị trả lại
- Đối với bên mua hàng:
Nợ 111/112/131: số tiền nhận lại
Có 156/152/211.... giá trị hàng trả lại
Có 133: Thuế GTGT của hàng trả lại
3.2. Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 133
- Đối với bên bán hàng:
Khác với thông tư 200, thông tư 133 không có các tài khoản giảm trừ doanh thu nên doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một bút toán duy nhất. Kế toán ghi:
Nợ 511: Tổng giá trị hàng bán bị trả lại
Nợ 3331: Thuế GTGT của số hàng bị trả lại
Có 131/111/112: Tổng Số tiền phải trả lại cho bên mua
- Đối với bên mua hàng:
Bút toán ghi tương tự với chế độ kế toán Thông tư 200. Cụ thể ghi:
Nợ 111/112/131: số tiền nhận lại
Có 156/152/211.... giá trị hàng trả lại
Có 133: Thuế GTGT của hàng trả lại
Xem thêm: Phần mềm quản lý bán hàng của BRAVO