Giá vốn hàng bán không chỉ là yếu tố làm cơ sở xác định giá bán mà còn có ý nghĩa trong việc thể hiện giá trị thực tế của hàng hóa, sản phẩm được xuất kho để bán. Chính vì vậy mà giá vốn hàng bán phải được hạch toán một cách chính xác và đúng đắn, để mọi kết quả về kinh doanh được phản ánh một cách trung thực nhất. Cùng bài viết đi hiểu về cách hạch toán TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Giá vốn hàng bán là gì?
Giá vốn hàng bán là giá trị thực tế của toàn bộ hàng hóa, sản phẩm bán được xác định là đã tiêu thụ trong một khoảng thời gian nhất định, thường là trong một kỳ kế toán. Cụ thể, giá vốn hàng bán chính là tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, liên quan đến việc tạo ra hàng hóa, sản phẩm.
- Cách hạch toán TK 632 – Giá vốn hàng bán:
Đóng vai trò không chỉ là cơ sở để xác định giá bán mà còn là yếu tố xác định chi phí đã phải bỏ ra để có được sản phẩm hoàn thành, vì vậy mà giá vốn hàng bán cần phải được ghi nhận một cách đầy đủ và chính xác. Và để đạt được mục tiêu đó thì trong quá trình ghi chép, phản ánh, kế toán đã sử dụng TK 632 – Giá vốn hàng bán, để hạch toán được đầy đủ và đúng đắn các phát sinh liên quan đến giá vốn của hàng bán ra.
Xem thêm: Vai trò của phần mềm kế toán bán hàng
Cụ thể, TK 632 được dùng để phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán trong kỳ. Ngoài ra, các khoản chi phí vượt định mức mà liên quan đến các hoạt động sản xuất hay kinh doanh bất động sản đầu tư cũng sẽ được hạch toán vào TK 632 – Giá vốn hàng bán, đó thường là các chi phí như: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tiêu hao vượt mức bình thường, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung cố định mà không phân bổ được vào giá trị sản phẩm nhập kho thì kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán kể cả khi sản phẩm, hàng hóa chưa được xác định là tiêu thụ...
Hay trường hợp mà bán sản phẩm, hàng hóa mà có kèm theo thiết bị, phụ tùng thay thế thì giá trị của những thiết bị, phụ tùng thay thế đó cũng được ghi nhận vào giá vốn hàng bán, được hạch toán thông qua TK 632.
Và hàng hóa tồn kho thì không tránh khỏi trường hợp bị hao hụt, mất mát, khi xuất bán hàng hóa mà phát sinh trường hợp đó thì kế toán phải ghi nhận phần hao hụt đó ngay vào giá vốn hàng bán, sau khi đã trừ hết các khoản bồi thường.
Và tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán cũng gồm bên Nợ và bên Có. Cụ thể:
Bên Nợ của TK 632 sẽ phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ, chi phí nguyên vật liệu, nhân công vượt trên mức bình thường, chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ và các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho cũng như phần dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập năm nay lớn hơn số dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết. Không chỉ liên quan đến hoạt động sản xuất mà các chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh mà cụ thể là kinh doanh BĐS đầu tư thì cũng được tính vào giá vốn hàng bán. Cụ thể các chi phí đó là chi phí khấu hao BĐS đầu tư dùng để cho thuê hoạt động, chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo BĐS đầu tư không đủ điều kiện tính vào nguyên giá BĐS đầu tư, chi phí phát sinh liên quan đến nghiệp vụ cho thuê hoạt động BĐS đầu tư, giá trị còn lại của những BĐS đầu tư được bán, thanh lý trong kỳ và chi phí phát sinh khi bán hoặc thanh lý các BĐS đầu tư đó.
Nếu như bên Nợ của TK 632 là phản ánh sự phát sinh, tăng lên của giá vốn hàng bán thì bên Có của TK 632 – Giá vốn hàng bán lại ngược lại là phản ánh sự giảm đi của giá vốn hàng bán, cụ thể là trong những trường hợp như khi:
+ Kế toán thực hiện kết chuyển giá vốn hàng bán để xác định kết quả kinh doanh;
+ Kết chuyển chi phí kinh doanh BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ để xác định kết quả hoạt động kinh doanh;
+ Phát sinh việc trả lại hàng bán, chiết khấu hoặc giảm giá trị hàng bán sau khi xác định là đã tiêu thụ;
Và bởi vì TK 632 – Giá vốn hàng bán là một tài khoản phản ánh chi phí, và toàn bộ phát sinh trên tài khoản 632 sẽ được kết chuyển hết vào cuối kỳ để xác định kết quả kinh doanh. Do đó nên tài khoản 632 sẽ là tài khoản không có số dư cuối kỳ.
Có thể bạn quan tâm: Phần mềm quản lý bán hàng của BRAVO