Chi phí là bài toán lớn mà hầu hết các doanh nghiệp cần phải tối ưu trong quá trình vận hành. Trong đó chi phí gián tiếp là những khoản chi phí khó khăn trong việc xác định và tính toán hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ các nội dung xoay quanh vấn đề này.
1. Khái niệm chi phí gián tiếp
Chi phí gián tiếp là những khoản chi phí không thể gắn liền trực tiếp với một sản phẩm, dịch vụ hoặc dự án cụ thể. Thay vào đó, chúng được phân bổ cho tất cả sản phẩm, dịch vụ hoặc bộ phận trong doanh nghiệp. Chi phí gián tiếp thường liên quan đến hoạt động quản lý, vận hành và duy trì hệ thống sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ, như chi phí điện, nước, tiền lương nhân viên quản lý, và chi phí bảo trì máy móc.
2. Phân loại chi phí gián tiếp
Chi phí gián tiếp có thể được chia thành các loại như sau:
- Chi phí quản lý chung: Bao gồm các khoản chi phí liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp như tiền lương của quản lý cấp cao, chi phí văn phòng, và chi phí dịch vụ thuê ngoài.
- Chi phí sản xuất chung: Là các khoản chi phí liên quan đến việc duy trì sản xuất nhưng không trực tiếp tham gia vào việc tạo ra sản phẩm, bao gồm chi phí bảo dưỡng máy móc, thiết bị, điện, nước, và nguyên vật liệu phụ.
- Chi phí cho hoạt động PR – Marketing: Chi phí này liên quan đến các hoạt động tiếp thị/quảng cáo sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp
- Chi phí cho các bộ phận không liên quan trực tiếp tới việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ như: hành chính, R&D, Chăm sóc khách hàng, …
- Chi phí phân bổ cho nhiều dự án: Chi phí gián tiếp có thể được phân bổ giữa nhiều dự án khi không xác định được chúng liên quan cụ thể đến dự án nào.
3. Cách xác định và hạch toán chi phí gián tiếp
Hạch toán chi phí gián tiếp cần tuân thủ các nguyên tắc kế toán nhằm phản ánh chính xác chi phí của từng sản phẩm hoặc dịch vụ. Một số bước hạch toán chi phí gián tiếp phổ biến gồm:
- Xác định tổng chi phí gián tiếp: Doanh nghiệp cần tính toán tổng các chi phí gián tiếp phát sinh trong kỳ kế toán, bao gồm chi phí điện, nước, lương nhân viên gián tiếp và các chi phí khác.
- Lựa chọn phương pháp phân bổ: Các phương pháp phổ biến gồm phương pháp phân bổ theo giờ làm việc, sản lượng sản xuất, hoặc doanh thu. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp giúp phản ánh đúng chi phí gián tiếp mà từng sản phẩm hoặc dự án phải chịu.
- Phân bổ chi phí cho các đối tượng chịu chi phí: Sau khi xác định phương pháp, doanh nghiệp tiến hành phân bổ chi phí gián tiếp cho các sản phẩm, dự án hoặc bộ phận liên quan dựa trên tỷ lệ đã được xác định.
- Hạch toán vào các tài khoản kế toán: Các khoản chi phí gián tiếp sẽ được ghi nhận vào tài khoản chi phí sản xuất chung hoặc chi phí quản lý doanh nghiệp, tùy thuộc vào tính chất của chúng.
Việc xác định và hạch toán chi phí gián tiếp một cách hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ kiểm soát chi phí tốt hơn mà còn đảm bảo tính chính xác trong việc xác định giá thành sản phẩm, dịch vụ. Do đó, việc nắm vững khái niệm, cách thức xác định và hạch toán chi phí gián tiếp là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.
>>> Xem thêm: Phân hệ phần mềm quản lý sản xuất hỗ trợ tính giá thành sản phẩm