Công việc của vị trí kế toán giá thành sản xuất trong doanh nghiệp

Công việc của vị trí kế toán giá thành sản xuất trong doanh nghiệp

195

Chỉ tiêu về chi phí và giá thành là 2 nội dung quan trọng đối với bất kỳ nhà quản lý doanh nghiệp nào. Với các doanh nghiệp sản xuất, đây lại càng là 2 yếu tố quyết định và chi phối tới hầu hết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như: chiến lược kinh doanh, thị phần, lương cho CBNV; Doanh thu – Lợi nhuận; …Vì vậy công việc của vị trí kế toán giá thành sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng.

1. Khái niệm Kế toán giá thành sản xuất

Kế toán giá thành sản xuất có nhiệm vụ tổng hợp, thống kê đầy đủ và chính xác các loại chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, từ đó để xác định giá thành sản xuất thực tế của mỗi sản phẩm. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp định giá bán của mỗi sản phẩm trên thị trường. Giá bán hàng hóa phù hợp cũng là một trong số những chiến lược quan trọng để doanh nghiệp định vị thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường; từng bước đạt được mục tiêu doanh số và lợi nhuận đặt ra theo kế hoạch.

Kế toán giá thành sản xuất và kế toán chi phí trong doanh nghiệp luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tương tác và bổ trợ nhau.

2. Công việc của vị trí kế toán giá thành sản xuất

Không đơn giản chỉ dừng ở việc tính toán được giá thành của sản phẩm. Một yêu cầu nâng cao ở vị trí kế toán giá thành là đưa ra được những giải pháp tối ưu về mặt quy trình để có thể có được số liệu giá thành thấp nhất nhưng chất lượng sản phẩm vẫn phải đảm bảo nhất. Vì vậy công việc chi tiết của vị trí kế toán giá thành sản xuất phải đáp ứng được như sau:

Tập hợp chi phí và tính giá thành sản xuất sản phẩm.

Các khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất sẽ tương đối nhiều. Vì vậy đòi hỏi vị trí kế toán giá thành phải có sự theo dõi sát sao và ghi chép cẩn thận mới đảm bảo được tính chính xác và đầy đủ về mặt chi phí. Các khoản chi phí sản xuất thường bao gồm: chi phí nguyên vật liệu; chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí điện nước; chi phí tiền lương cán bộ - công nhân viên; Các chi phí dịch vụ phát sinh khác.

Thông qua các số liệu về mặt chi phí để tính toán giá thành kế hoạch, giá thành định mức và giá thành thực tế. Kiểm soát và đánh giá từng loại giá thành cho từng sản phẩm theo từng đơn hàng sản xuất. Nếu phát sinh biến động về mặt chi phí sản xuất thì cần phải lên kế hoạch điều chỉnh giá thành phù hợp.

Hạch toán các tài khoản kế toán:

Tùy thuộc vào phương pháp tính giá thành mà doanh nghiệp đã lựa chọn đăng ký từ đầu, kế toán viên sẽ thực hiện việc hạch toán các loại tài khoản kế toán liên quan đến giá thành.

Liên quan đến sản phẩm dở dang, kế toán viên phải lên kế hoạch tập hợp một cách khoa học, làm cơ sở để hạch toán giá thành sản xuất trong một kỳ đầy đủ và chính xác.

Lập báo cáo phân tích, đánh giá

Việc lập báo cáo về kết quả công việc để trình báo với cấp trên là điều tất yếu của mỗi vị trí nhân sự. Thông thường vị trí kế toán giá thành sản xuất sẽ phải tổng hơp một số báo cáo sau:

  • Bảng tổng hợp và phân tích hiệu quả sản xuất theo từng đơn hàng sản xuất. So sánh, đối chiếu giá thành thực tế so với giá thành kế hoạch.
  • Báo cáo sản xuất: làm rõ các tiêu chí về nhu cầu nguyên vật liệu, thực tế sử dụng NVL, báo cáo tồn kho.
  • Báo cáo giá thành: làm rõ các chỉ số giá thành theo đơn hàng, theo sản phẩm; bảng chi phí giá thành.
  • Báo cáo chi phí sản xuất: Cập nhật báo cáo tính – phân bổ khấu hao TSCĐ – CCDC; chi phí trả trước ngắn hạn, dài hạn; báo cáo tổng hợp – chi tiết tiền lương, chi phí chung, khoản mục phí.
  • Báo cáo đơn hàng: làm rõ các tiêu chí về số lượng đơn hàng, tình trạng thực hiện đơn hàng.

Trên đây là những công việc chính mà kế toán giá thành sản xuất cần đảm trách được. Tùy theo tình hình và tính chất kinh doanh tại từng doanh nghiệp, vị trí này sẽ phải linh hoạt kiêm nhiệm thêm một số công việc liên quan khác theo yêu cầu từ quản lý.

Có thể bạn quan tâm: Top 05 phần mềm kế toán phổ biến hiện nay