Cuối mỗi kỳ kế toán thì việc lập báo cáo tài chính, mà cụ thể thuyết minh báo cáo tài chính là việc không thể thiếu. Và các thông tư hướng dẫn về chế độ kế toán thì có sự bổ sung, sửa đổi theo thời gian để phản ánh chính xác hơn về tình hình kinh tế tài chình của doanh nghiệp. Cùng bài viết tìm hiểu về cách lập thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 200.
- Khái niệm về Thuyết minh báo cáo tài chính:
Thuyết minh báo cáo tài chính là một bộ phận của báo cáo tài chính, được lập với mục đích mô tả và phân tích chi tiết các số liệu trên Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như đi trình bày các thông tin trọng yếu liên quan đến sự thay đổi các vấn đề về kế toán của doanh nghiệp.
Xem thêm: Những hiểu biết về bảng cân đối kế toán
- Cách lập Thuyết minh báo cáo tài chính:
Thuyết minh báo cáo tài chính phải trình bày đầy đủ các nội dung về: Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, chính sách kế toán mà doanh nghiệp áp dụng, nguyên tắc – phương pháp các phần hành kế toán cơ bản, thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong BCĐKT, thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và những thông tin khác. Cụ thể như sau:
- Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp
Thuyết minh báo cáo tài chính phải trình bày được hình thức sở hữu vốn của doanh nghiệp (công ty Nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân, nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì phải thuyết minh rõ tên quốc gia và vùng lãnh thổ của từng nhà đầu tư trong doanh nghiệp), cấu trúc doanh nghiệp, lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh, chu kỳ sản xuất, kinh doanh cũng như số lượng người lao động trong doanh nghiệp.
Đồng thời, thuyết minh BCTC cũng phải trình bày được đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp cũng như những thay đổi về môi trường pháp lý hoặc những sự kiện phát sinh có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính trong năm của doanh nghiệp.
- Chính sách kế toán doanh nghiệp áp dụng
Thuyết minh báo cáo tài chính phải thể hiện được nội dung về kỳ kế toán của doanh nghiệp, đơn vị tiền tệ mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chế độ kế toán và hình thức kế toán mà doanh nghiệp áp dụng.
Thuyết minh BCTC phải trình bày về việc doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực và chế độ kế toán nào.
- Nguyên tắc – phương pháp các phần hành kế toán cơ bản
Thuyết minh BTCT phải trình bày rõ về các nguyên tắc và phương pháp kế toán mà doanh nghiệp áp dụng, cụ thể:
- Nguyên tắc ghi nhận các khoản tiền và tương đương tiền;
- Nguyên tắc kế toán nợ phải thu;
- Nguyên tắc giá trị hàng tồn kho;
- Nguyên tắc kế toán và phương pháp khấu hao tài sản cố định;
- Nguyên tắc chi phí trả trước;
- Nguyên tắc kế toán nợ phải trả;
- Nguyên tắc ghi nhận vốn chủ sở hữu;
- Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận doanh thu, thu nhập khác;
- Nguyên tắc kế toán các khoản giảm trừ doanh thu;
- Nguyên tắc kế toán giá vốn hàng bán;
- Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận chi phí tài chính;
- Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành;
- Các nguyên tắc và phương pháp kế toán khác.
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong BCĐKT
Trong phần này, thì thuyết minh BCTC phải trình bày và phân tích chi tiết các số liệu đã được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán để giúp người đọc Báo cáo tài chính hiểu rõ hơn nội dung các khoản mục tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
– Số liệu ghi vào cột “Đầu năm” được lấy từ cột “Cuối năm” trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước. Số liệu ghi vào cột “Cuối năm” được lập trên cơ sở số liệu lấy từ:
+ Bảng Cân đối kế toán năm nay;
+ Sổ kế toán tổng hợp;
+ Sổ và thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết có liên quan.
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong BCKQHĐKD
Trong phần này, thuyết minh BCTC phải trình bày và phân tích chi tiết các số liệu đã được thể hiện trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để giúp người đọc Báo cáo tài chính hiểu rõ hơn nội dung của các khoản mục doanh thu, chi phí.
– Số liệu ghi vào cột “Năm trước” được lấy từ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước. Số liệu ghi vào cột “Năm nay” được lập trên cơ sở số liệu lấy từ:
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm nay;
+ Sổ kế toán tổng hợp;
+ Sổ và thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết có liên quan.
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Trong phần này, thuyết minh BCTC phải trình bày và phân tích các số liệu đã được thể hiện trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để giúp người đọc BCTC hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến lưu chuyển tiền trong kỳ của doanh nghiệp.
– Trường hợp trong kỳ doanh nghiệp có mua hoặc thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác thì những luồng tiền này phải được trình bày thành những chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
– Số liệu ghi vào cột “Năm trước” được lấy từ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước; Số liệu ghi vào cột “Năm nay” được lập trên cơ sở số liệu lấy từ:
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm nay
+ Sổ kế toán tổng hợp;
+ Sổ và thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết có liên quan.
- Những thông tin khác
Trong phần này, thuyết minh BCTC phải trình bày được những thông tin quan trọng khác (nếu có) ngoài những thông tin đã trình bày trong các phần trên nhằm giúp cho người đọc hiểu được rõ ràng các thông tin mà Báo cáo tài chính cung cấp và giúp thể hiện rõ được tính trung thực, hợp lý của BCTC mà doanh nghiệp đã lập.
Như vậy, có thể nói thuyết minh báo cáo tài chính là một báo cáo đi giải thích những gì được trình bày trong các báo cáo khác, đem lại cho người đọc một cái nhìn chi tiết và rõ ràng về tình hình tài chính – kế toán của doanh nghiệp. Hi vọng những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp các bạn đọc có cơ sở để lập chính xác thuyết minh báo cáo tài chính.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những phần mềm kế toán tốt nhất hiện nay.