Theo chế độ kế toán tại Thông tư 200 và Thông tư 133 thì có 2 phương pháp để hạch toán hàng tồn kho, là: Phương pháp kê khai thường xuyên và Phương pháp kiểm kê định kỳ. Mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và hạn chế nhất định, người làm công tác kế toán cần nắm chắc đặc điểm của từng phương pháp, từ đó lựa chọn ra phương pháp phù hợp nhất để giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh tế.
-
Khái niệm của phương pháp kê khai thường xuyên
Để xác định xem kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên cần lưu ý những gì, thì trước hết phải đi tìm hiểu khái niệm của phương pháp kê khai thường xuyên.
Phương pháp kê khai thường xuyên là phương pháp theo dõi và phản ánh 1 cách thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình nhập, xuất, tồn vật tư, hàng hóa trên sổ sách kế toán.
Xem thêm: Những dạng bài tập kế toán sản xuất cơ bản
-
Lưu ý khi sử dụng phương pháp kê khai thường xuyên
Khi áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên, các tài khoản kế toán hàng tồn kho được dùng để phản ánh số hiện có, tình hình biến động tăng, giảm của vật tư, hàng hóa. Vì vậy, giá trị hàng tồn kho trên sổ kế toán có thể được xác định ở bất kỳ thời điểm nào trong kỳ kế toán.
Phương pháp kê khai thường xuyên thường được áp dụng ở các doanh nghiệp sản xuất (công nghiệp, xây lắp...) và các doanh nghiệp thương nghiệp kinh doanh các mặt hàng có giá trị lớn như máy móc, thiết bị, hàng có kỹ thuật, chất lượng cao...
Chính đặc điểm nổi bật của phương pháp là phải theo dõi và phản ánh 1 cách thường xuyên liên tục, có hệ thống tình hình nhập xuất vật tư, hàng hoá, nên sẽ làm tăng khối lượng và áp lực công việc cho kế toán ghi chép, dễ xảy ra sai sót trong quá trình làm.
Để hạn chế tối đa các sai sót thì trong quá trình ghi nhận, kế toán cần để ý ghi chép, hạch toán ngay khi có bất kỳ sự biến động nào về vật tư hàng hoá. Nếu ghi tăng giá trị của vật tư hàng hoá thì cần kiểm tra các tài liệu liên quan như: PO, hợp đồng mua hàng, hoá đơn… để đảm bảo đơn giá, số lượng và giá trị được ghi nhận là chính xác. Trong trường hợp ghi giảm giá trị vật tư, hàng hoá thì cần xem xét cách xác định giá trị là theo giá hợp lý hay giá ghi sổ, nếu xuất kho thì tính giá trị xuất kho theo phương pháp nào…
Bên cạnh việc ghi chép hàng ngày thì cuối mỗi kỳ kế toán, kế toán cần thực hiện công tác kiểm kê vật tư, hàng hoá để đối chiếu số liệu giữa sổ kế toán và số tồn kho thực tế. Đó cũng chính là cơ hội giúp kế toán xem xét đánh giá lại việc ghi chép của mình đã đảm bảo sự chính xác chưa, nếu có chênh lệch, sai phạm thì kịp thời xử lý trước khi chốt số liệu.
Có thể bạn quan tâm: Phần mềm quản lý sản xuất của BRAVO
Với những kiến thức trên hy vọng bạn đọc sẽ thực hiện tốt phương pháp kê khai thường xuyên để công việc luôn diễn ra thuận lợi.