Liên quan đến tài sản cố định (TSCĐ), doanh nghiệp có khá nhiều hoạt động cần phải được xử lý và kê khai hợp lý để đảm bảo đúng quy định. Các vấn đề thường gặp như nhượng bán, thanh lý, chuyển giao, mất mát, tháo dỡ tài sản cố định. Mọi phát sinh đều cần phải được kiểm kê và hạch toán chính xác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu các kiến thức xung quanh hoạt động thanh lý tài sản cố định một cách đầy đủ và chi tiết.
1. Khái niệm thanh lý tài sản cố định trong doanh nghiệp
Hoạt động thanh lý tài sản cố định trong doanh nghiệp là việc nhượng bán những tài sản hết thời gian trích khấu hao đồng nghĩa với việc đã thu hồi đủ vốn đầu tư hoặc những tài sản bị hư hỏng, lạc hậu không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện tại. Mục đích nhượng bán các tài sản đó là để mua thay thế một tài sản mới phù hợp hơi hoặc để thu hồi phần vốn ban đầu.
2. Đặc điểm của việc thanh lý tài sản cố định
Việc hạch toán thanh lý tài sản cố định thường mang tính chất bất thường, không theo các kế hoạch hoặc dự toán từ trước. Vì vậy việc hạch toán sẽ liên quan đến Tài khoản 811 (Phản ánh chi phí khác) và tài khoản 711 (Phản ánh thu nhập khác).
3. Các trường hợp cần thanh lý Tài sản cố định
Một số trường hợp phổ biến dưới đây doanh nghiệp sẽ có nhu cầu thanh lý TSCĐ:
- Doanh nghiệp thanh lý TSCĐ đã bị hư hỏng và không thể sử dụng được nữa.
- Doanh nghiệp thanh lý TSCĐ vẫn còn giá trị sử dụng nhưng lạc hậu và không còn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nữa.
- Doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể, sát nhập hoặc nhượng bán.
Lưu ý: Đối với những Tài sản cố định đang còn khấu hao nhưng vì lý do nào đó bắt buộc vẫn cần phải thanh lý thì doanh nghiệp cần thực hiện hạch toán theo quy trình sau
- Xác định trách nhiệm của các bên có liên quan đối với sự hư hỏng của TSCĐ để xử lý bồi thường. Khoản bồi thường thông thường sẽ được ban lãnh đạo công ty ra quyết định cuối cùng.
- Phần giá trị thu được khi thanh lý TSCĐ sẽ được bù đắp vào phần giá trị còn lại (chưa thu hồi hoặc không được bồi thường).
- Trường hợp cả 2 khoản trên vẫn chưa đủ để bù phần giá trị còn lại chưa được khấu hao của TSCĐ thì được xem là Lỗ thanh lý TSCĐ và thực hiện hạch toán đưa vào chi phí khác
>>> Có thể bạn quan tâm: Hồ sơ thanh lý tài sản cố định đầy đủ và chính xác.
4. Cách hạch toán thanh lý tài sản cố định
- Phản ánh về khoản thu nhập do thanh lý tài sản cố định. Bút toán ghi:
Nợ các TK 111, 112, 113: Tổng giá trị thu về do thanh lý
Có TK 711: Giá trị thu về chưa có thuế GTGT
Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Các chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản cố định. Bút toán ghi:
Nợ TK 811: Chi phí phát sinh khác
Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141, 331: Tổng chi phí phải thanh toán
- Bút toán ghi giảm nguyên giá TSCĐ được thanh lý, nhượng bán:
Nợ TK 214: Giá trị Hao mòn TSCĐ
Nợ TK 811: Giá trị còn lại của TSCĐ
Có TK 211: Nguyên giá TSCĐ hữu hình
Có TK 213: Nguyên giá TSCĐ vô hình
>>> Hướng dẫn chi tiết cách hạch toán thanh lý tài sản cố định
>>> Xem thêm: Phần mềm Quản lý máy móc thiết bị - TSCĐ hiệu quả