Kiến thức về Chứng từ ngân hàng trong doanh nghiệp

Kiến thức về Chứng từ ngân hàng trong doanh nghiệp

731

Trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp sẽ phát sinh rất nhiều loại chứng từ. Vì vậy kế toán là một công việc đòi hỏi sự cẩn thận rất cao để phòng tránh tối đa mọi sai sót. Chứng từ ngân hàng là một loại chứng từ khá phổ biến, thường xuyên cần được xử lý.

1. Khái niệm chứng từ ngân hàng

Chứng từ ngân hàng có tên tiếng Anh đầy đủ là Bank Accounting Vouchers. Chứng từ ngân hàng là tài liệu chứng minh các nghiệp vụ kinh tế tài chính đã phát sinh và thực sự hoàn thành tại các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Cũng như các chứng từ kế toán khác, chứng từ ngân hàng cũng là cơ sở để hạch toán vào sổ sách kế toán trong doanh nghiệp.

2. Các nội dung cơ bản cần có trên chứng từ ngân hàng

Dưới đây là một số nội dung cần thiết yêu cầu phải được trình bày rõ ràng trên một chứng từ ngân hàng bất kỳ:

  • Tên gọi của chứng từ ngân hàng. Thông thường sẽ gồm các loại: Séc, UNC, UNT, Phiếu thu, phiếu chi..
  • Số hiệu chứng từ
  • Thời gian (ngày, tháng, năm) lập và thời gian hạch toán số tiền trên chứng từ vào sổ kế toán.
  • Tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản của các bên tham gia, gồm có: bên trả tiền; bên Ngân hàng thanh toán; bên thụ hưởng số tiền trên chứng từ; Bên Ngân hàng nhận tiền.
  • Nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
  • Các chỉ tiêu về số lượng và giá trị
  • Chữ kí của những người có liên quan. Bao gồm người lập; người chịu trách nhiệm về tính chính xác của nghiệp vụ; kế toán trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị.

3. Các loại chứng từ ngân hàng:

Căn cứ theo từng tiêu chí, chứng từ ngân hàng được phân chia thành các loại hình sau:

Dựa theo tính chất pháp lí của chứng từ:

  • Chứng từ gốc: là chứng từ gốc được lập vào thời điểm ngay khi có nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
  • Chứng từ ghi sổ: là chứng từ được lập trên chứng từ gốc hoặc chứng từ gốc kiêm chứng từ ghi sổ.

Chứng từ gốc kiêm ghi sổ là loại chứng từ được sử dụng phổ biến trong hệ thống các Ngân hàng thương mại khi phát sinh giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng.

Dựa theo mục đích sử dụng và nội dung nghiệp vụ kinh tế:

Bao gồm các loại chứng từ sau: Chứng từ tiền mặt; Chứng từ chuyển khoản; Bảng kê các loại; Giấy báo liên hàng; Lệnh chuyển tiền sử dụng trong chuyển tiền điện tử; Các chứng từ hạch toán tài sản và chứng từ ngoại bảng.

Dựa theo nguồn gốc chứng từ:

Bao gồm các loại chứng từ sau:

  • Chứng từ do khách hàng lập, mang đến giao dịch với Ngân hàng
  • Chứng từ do tổ chức tín dụng khác phát sinh trong quan hệ với tổ thức tín dụng thực hiện
  • Chứng từ phát sinh trên cơ sở các thông tin, dữ liệu đầu vào trong hệ thống thông tin của Tổ chức tín dụng tạo ra các dữ liệu kết quả
  • Chứng từ phát sinh phục vụ các giao dịch nội bộ của tổ chức tín dụng.

Dựa vào tác dụng của chứng từ

Bao gồm các loại sau: Chứng từ mệnh lệnh như Séc lĩnh tiền mặt, séc chuyển khoản, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, đơn xin vay, giấy nộp tiền, giấy lĩnh tiền, lệnh điều chuyển tiền; Chứng từ thực hiện như Phiếu thu, phiếu chi, phiếu chuyển khoản, giấy báo nợ, giấy báo có.

Dựa vào nội dung trên chứng từ

Bao gồm 2 loại sau: Chứng từ trong các nghiệp vụ liên quan đến ngân quỹ; Chứng từ trong các nghiệp vụ tín dụng.

Dựa vào hình thái chứng từ:

Bao gồm: chứng từ giấy và chứng từ điện tử.

Xem thêm:

>>> Đặc điểm và cách sử dụng của Top 05 phần mềm kế toán phổ biến