Trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thì chi phí sản xuất chung là một khoản chi phí chiếm tỷ lệ khá lớn và phát sinh thường xuyên. Cùng bài viết đi tìm hiểu rõ hơn về các nguyên tắc khi đi hạch toán loại chi phí này.
- Chi phí sản xuất chung là gì?
Chi phí sản xuất chung là toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc phục vụ cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đây là chi phí chỉ phát sinh ở các phân xưởng hoặc các bộ phận sản xuất.
Chi phí sản xuất chung thì gồm có: Chi phí lương và các khoản trích theo lương của các nhân viên quản lý sản xuất, Khấu hao TSCĐ sử dụng trực tiếp để sản xuất và các chi phí khác có liên quan trực tiếp quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
Xem thêm: Những lưu ý khi thực hiện thống kế sản xuất
- Nguyên tắc hạch toán chi phí sản xuất chung:
Chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp được phản ánh trên TK 627.
Mặc dù đây là loại chi phí khá phổ biến, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng đến loại chi phí này. Cụ thể là chi phí sản xuất chung chỉ được sử dụng trong hạch toán tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, các doanh nghiệp có hoạt động xây dựng cơ bản hay các doanh nghiệp trong ngành giao thông, bưu điện, du lịch, dịch vụ. Chi phí sản xuất chung không được sử dụng trong hạch toán các hoạt động liên quan đến kinh doanh thương mại.
Khi hạch toán chi phí sản xuất chung thì phải hạch toán chi tiết cho từng phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất. Đồng thời phải tách rõ ra 2 loại là chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi, cụ thể:
+ Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm được sản xuất ra, đó là các chi phí về bảo dưỡng máy móc thiết bị, nhà xưởng hay chi phí quản lý hành chính ở các phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất…
Kế toán cần lưu ý là chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Chính vì vậy trong trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn mức công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh, còn nếu mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm sẽ theo mức công suất bình thường, còn khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được sẽ được hạch toán vào giá vốn hàng bán trong kỳ.
+ Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất thường thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm được sản xuất ra, đó là các chi phí về nguyên vật liệu gián tiếp, chi phí nhân công gián tiếp. Chính vì đặc thù trên nên chi phí sản xuất chung biến đổi luôn được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.
Kế toán cũng cần lưu ý là không phải trong trường hợp nào thì chi phí sản xuất chung cũng được phản ánh một cách tách biệt rõ ràng, khi đó kế toán cần lựa chọn được tiêu thức phân bổ phù hợp nhất và nhất quán được giữa các kỳ kế toán để chi phí sản xuất chung phản ánh một cách chính xác nhất.
Cuối kỳ thì kế toán cần tính toán, phân bổ để kết chuyển toàn bộ chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ vào bên Nợ của Tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang” hoặc vào bên Nợ Tài khoản 631 “Giá thành sản xuất”.
Như vậy bài viết đã đi trình bày những nguyên tắc cần tuân thủ khi hạch toán chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp. Hi vọng đã cung cấp những kiến thức tham khảo hữu ích giúp các bạn đọc hạch toán một cách chính xác nhất loại chi phí này.
Có thể bạn quan tâm: Phần mềm quản lý sản xuất của BRAVO