Những cách tính giá thành sản phẩm phổ biến

Những cách tính giá thành sản phẩm phổ biến

900

Các doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng đến khâu tính giá thành sản phẩm.

Trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế mạnh mẽ, môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng ngày càng được ổn định và mở rộng, điều này đã và đang đem lại rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để nâng cao sức cạnh tranh thì các doanh nghiệp cần phải có chính sách giá hợp lý, đảm bảo gia tăng cả doanh thu và lợi nhuận. Để thực hiện được mục tiêu đó thì các doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng đến khâu tính giá thành sản phẩm.

  1. Một số kiến thức cơ bản về giá thành sản phẩm

Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản hao phí về lao động sống và lao động vật hoá liên quan đến khối lượng sản phẩm lao vụ, dịch vụ đã hoàn thành.

Có thể nói Giá thành sản phẩm là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh được kết quả sử dụng tài sản, vật tư, lao động, tiền vốn trong quá trình sản xuất. Qua đó giúp doanh nghiệp đánh giá được tính đúng đắn của các phương pháp kế toán cũng như tính hiệu quả của cách thức quản lý chi phí trong doanh nghiệp.

Để tính giá thành sản phẩm thì có 6 phương pháp như sau:

            + Phương pháp trực tiếp;

+ Phương pháp hệ số;

+ Phương pháp tỷ lệ (định mức);

+ Phương pháp loại trừ sản phẩm phụ;

+ Phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng;

+ Phương pháp phân bước.

Tuỳ vào đặc thù hoạt động mà mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình 1 phương pháp phù hợp để thu được hiệu quả cao nhất. Sau đây, bài viết sẽ đi phân tích chi tiết từng phương pháp tính giá thành sản phẩm để người đọc có thể thấy được sự khác biệt cũng như ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp tính giá thành sản phẩm.

Xem thêm: Hiểu biết chung về cách tính giá thành sản phẩm 

  1. Các phương pháp tính Giá thành sản phẩm

Thứ nhất là Phương pháp trực tiếp, hay còn gọi là phương pháp giản đơn, tên của phương pháp này cũng đã phản ánh được đặc thù của nó, là phương pháp này chỉ thường được áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất mà số lượng mặt hàng ít, sản xuất với khối lượng lớn và chu kỳ sản xuất ngắn. Từng mặt hàng sẽ được sản xuất riêng biệt và mỗi loại chi phí sản xuất được tính trực tiếp cho từng mặt hàng tương ứng. Như vậy thì đối tượng kế toán chi phí cũng chính là đối tượng kế toán giá thành. Đối với những doanh nghiệp có quy trình sản xuất phức tạp thì phương pháp này cũng có thể áp dụng để tính giá thành cho những công việc hoàn thành trong từng giai đoạn sản xuất nhất định.

Thứ hai là phương pháp hệ số, phương pháp này thường được áp dụng trong các doanh nghiệp mà trong cùng 1 quy trình sản xuất sử dụng cùng một loại nguyên vật liệu đầu vào nhưng lại cho ra được nhiều sản phẩm khác nhau. Như vậy để xác định giá thành của từng sản phẩm thì bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng một công thức để quy đổi các sản phẩm khác nhau về cùng 1 loại sản phẩm duy nhất là sản phẩm tiêu chuẩn theo hệ số quy đổi được xây dựng sẵn, lúc đó sẽ tính được chi phí cho từng sản phẩm theo hệ số. Áp dụng phương pháp này giúp doanh nghiệp tính được giá thành của nhiều loại sản phẩm trong cùng một quy trình, tuy nhiên doanh nghiệp phải lựa chọn được sản phẩm phù hợp để làm sản phẩm tiêu chuẩn, đảm bảo giá thành được tính toán ra là hợp lý.

Thứ ba là phương pháp tỷ lệ, thường được áp dụng trong doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm có quy cách, phẩm chất khác nhau, khi đó kế toán sẽ tập hợp chi phí sản xuất theo nhóm sản phẩm cùng loại để giảm bớt khối lượng hạch toán và để đơn giản hoá công việc tính giá thành. Khi áp dụng phương pháp này thì kế toán phải đi tính tỷ lệ giữa chi phí thực tế phát sinh với chi phí theo định mức (kế hoạch). Từ tỷ lệ thu được kế toán sẽ tính ra chi phí đơn vị và tổng giá thành cho nhóm sản phẩm cùng loại.

Thông qua việc đi tính toán tỷ lệ trên thì doanh nghiệp cũng đánh giá được chênh lệch phát sinh giữa kế hoạch với thực tế, từ đó có sự điều chỉnh định mức kế hoạch đặt ra phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, giúp tiết kiệm và sử dụng chi phí hợp lý hơn. Tuy nhiên để việc tính toán giá thành sản phẩm được chính xác thì ngay từ đầu kỳ, kế toán phải tính toán để cho ra được định mức hợp lý.

Thứ tư là phương pháp loại trừ sản phẩm phụ, kết thúc quá trình sản xuất thì ngoài thu được sản phẩm chính thì còn có các sản phẩm phụ. Khi áp dụng phương pháp này thì giá trị của các sản phẩm phụ được loại trừ ra khỏi tổng chi phí sản xuất sản phẩm để tính giá trị sản phẩm chính. Tuy nhiên việc tính toán rạch ròi chi phí nào tính cho sản phẩm chính, chi phí nào cho sản phẩm phụ là không hề đơn giản.

Thứ năm là phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng, phương pháp này thường được áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng. Khi đó giá thành của từng đơn đặt hàng là toàn bộ chi phí sản xuất phát sinh từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành đơn hàng đó. Áp dụng phương pháp này thì sẽ hạn chế trong trường hợp khách hàng yêu cầu báo giá trước, hoặc khi có nhiều đơn hàng cùng lúc thì sẽ gây khó khăn cho việc phân bổ chi phí.

Thứ sáu là phương pháp phân bước, có thể nói rằng đây là phương pháp tính toán phức tạp hơn hẳn so với các phương pháp còn lại. Tuy nhiên trong trường hợp doanh nghiệp có quy trình sản xuất phức tạp, nhiều công đoạn nối tiếp nhau. mỗi công đoạn lại cho ra 1 bán thành phẩm, bán thành phẩm của công đoạn trước là đối tượng của công đoạn sau, thì bắt buộc phải dùng phương pháp này, và cũng chỉ có phương pháp này là cho ra kết quả chính xác nhất.

Xem thêm: Phần mềm quản lý sản xuất