Báo cáo tài chính là kết quả cuối cùng của công việc kế toán, cung cấp một cách đầy đủ và tổng quan nhất về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng bài viết đi tìm hiểu rõ hơn về các chỉ tiêu quan trọng trên báo cáo tài chính.
- Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là các báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và tình hình luân chuyển dòng tiền trong kỳ của doanh nghiệp.
Có thể nói báo cáo tài chính là phương tiện giúp nhà quản lý nắm bắt một cách nhanh chóng nhất tình hình tổng quan của doanh nghiệp, cung cấp nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng cho các nhà lãnh đạo để đưa ra được các quyết định quản trị tài chính đúng đắn.
- Những chỉ tiêu quan trọng trên báo cáo tài chính:
Báo cáo tài chính là một báo cáo tổng hợp nhiều thông tin khác nhau về tình hình tài sản, tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy để thu thập và nắm bắt được những thông tin trọng yếu nhanh nhất thì người đọc cần nắm được những chỉ tiêu quan trọng trên báo cáo tài chính. Cụ thể bao gồm:
- Cơ cấu vốn và nguồn vốn
Khi đọc báo cáo tài chính mà cụ thể là bảng cân đối kế toán thì việc đầu tiên là phải đi xem xét các chỉ tiêu về vốn, cụ thể là phải xác định được tỷ trọng của từng loại nguồn vốn trong tổng số vốn ở thời điểm đầu năm và cuối năm. Để từ đó đánh giá được sự biến động trong cơ cấu nguồn vốn và có biện pháp điều chỉnh hợp lý hơn nếu cần.
Liên quan đến cơ cấu nguồn vốn thì cần đi tính toán và đánh giá các chỉ số sau:
- Tỷ lệ nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu = Tổng nợ phải trả/Tổng vốn chủ sở hữu.
Đây là chỉ tiêu phản ánh tổng quát nhất về cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng cao thì cho thấy cơ cấu nguồn vốn càng rủi ro.
- Tỷ lệ vay ngắn hạn/Tổng nguồn vốn = Tổng vay ngắn hạn/Tổng nguồn vốn.
- Tỷ lệ nợ phải trả người bán/Tổng nguồn vốn = Tổng nợ phải trả người bán/Tổng nguồn vốn.
- Tỷ lệ nợ ngắn hạn/Tổng nợ phải trả = Tổng nợ ngắn hạn/Tổng nợ phải trả.
Xem thêm: Tìm hiểu mục đích của bảng cân đối kế toán
Ba chỉ tiêu này lại thể hiện được mức độ tự tài trợ của doanh nghiệp, nếu các chỉ tiêu này cao thì chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc tài trợ vốn ngắn hạn, đồng thời, cũng thể hiện nhu cầu thanh toán trong ngắn hạn của doanh nghiệp là lớn. Hay nói cách khác là ba chỉ tiêu trên đánh giá được mức độ tự chủ về tài chính của doanh nghiệp.
- Khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn
Liên quan đến khả năng thanh toán thì người đọc BCTC cần quan tâm đến các chỉ tiêu như: tổng tài sản ngắn hạn, tổng nợ ngắn hạn, tài sản dài hạn, nợ dài hạn hay lợi nhuận trước thuế và lãi vay, vốn chủ sở hữu. Để từ đó đi tính toán các chỉ tiêu sau:
- Chỉ số thanh toán ngắn hạn = Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn.
- Chỉ số thanh toán nhanh = Tài sản nhanh/Tổng nợ ngắn hạn.
Hai chỉ tiêu trên cho phép đánh giá được khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp.
Còn liên quan đến đánh giá khả năng thanh toán dài hạn thì có các chỉ số sau:
- Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Chi phí lãi vay.
- Hệ số nợ = Nợ phải trả/Tổng tài sản.
- Hệ số nợ/Vốn chủ sở hữu = Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu.
- Hệ số thanh toán tài sản dài hạn đối với nợ dài hạn = Tài sản dài hạn/Nợ dài hạn
Các chỉ tiêu trên đều liên quan đến mức độ rủi ro tài chính mà các chủ nợ của doanh nghiệp phải gánh chịu. Nếu các hệ số trên cao thì mức độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp càng lớn.
- Khả năng sinh lời
Liên quan đến khả năng sinh lời thì cần chú ý đến các chỉ tiêu sau:
- Tỷ suất sinh lời của vốn: cho biết khả năng sinh lời thực sự của vốn.
- Tỷ suất sinh lời của doanh thu: chỉ tiêu này cho biết với 100 đồng doanh thu được tạo ra thì có bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này thể hiện được hiệu quả trong công tác kiểm soát chi phí doanh nghiệp.
- Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu: Chỉ tiêu này cho biết khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu.
- Hiệu quả kinh doanh
Đánh giá hiệu quả kinh doanh thì cần lưu ý các chỉ tiêu sau:
- Tỷ suất giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần, tỷ suất chi phí bán hàng trên doanh thu thuần, tỷ suất chi phí quản lý trên doanh thu thuần. Nhóm chỉ tiêu này cho biết tỷ lệ % của các chi phí trên trong doanh thu thuần, các tỷ suất trên càng thấp thì chứng tỏ doanh nghiệp quản lý tốt, giúp tiết kiệm được chi phí.
- Tỷ suất lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên doanh thu thuần, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần.
- Rủi ro tài chính
Để đánh giá được mức độ rủi ro tài chính thì cần quan tâm đến các chỉ tiêu sau:
- Hệ số nợ trên tài sản, chỉ tiêu này cho biết trong tổng tài sản hiện có thì có bao nhiêu đồng từ nguồn vay nợ, vì vậy hệ số này mà càng lớn thì rủi ro tài chính càng cao và ngược lại.
- Hệ số thu hồi nợ, phản ánh được khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp, hệ số này càng cao thì chứng tỏ doanh nghiệp quản lý tốt các khoản phải thu và ngược lại.
- Thời hạn quay vòng hàng tồn kho, thời hạn này càng ngắn chứng tỏ doanh nghiệp kinh doanh tốt, giảm được số lượng cũng như thời gian hàng tồn kho và ngược lại.
- Hệ số thanh toán lãi vay
- Các chỉ số đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính phản ánh được hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài trợ từ các khoản vay. Để đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng đồn bẩy tài chính thì cần đi đánh giá các chỉ tiêu sau:
- Chỉ số nợ = Tổng nợ/Tổng tài sản.
- Chỉ số nợ - vốn cổ phần = Tổng nợ/Tổng vốn cổ phần.
- Số nhân vốn cổ phần = Tổng tài sản/Tổng vốn cổ phần.
Như vậy, bài viết đã trình bày chi tiết về các chỉ tiêu cần quan tâm khi đọc báo cáo tài chính. Hi vọng đã cung cấp những kiến thức hữu ích cho các bạn đọc.
Có thể bạn quan tâm: Phần mềm ERP của BRAVO