Những hạn chế và vướng mắc trong hạch toàn tài sản cố định theo thông tư 200

Những hạn chế và vướng mắc trong hạch toàn tài sản cố định theo thông tư 200

602

Thông tư 200 mà Bộ tài chính ban hành vào năm 2014 là một trong những văn bản kế toán có tính pháp lý giúp hướng dẫn về cách hạch toán và làm các loại báo cáo tài chính. Sự ra đời của thông tư 200 là để thay thế cho QĐ15/2006 và thông tư 244/2009 của Bộ tài chính, nhằm đảm bảo công tác kế toán tại các doanh nghiệp được thực hiện một cách đúng đắn hơn theo hướng phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình. Tuy nhiên, thông tư 200 vẫn có những tồn tại nhất định, cụ thể trong cách hạch toán TSCĐ. Cùng bài viết đi tìm hiểu cụ thể hơn về những hạn chế và vướng mắc đó.

Mặc dù được ra đời nhằm mục đích hướng dẫn để đảm bảo công tác kế toán tại các doanh nghiệp được thực hiện theo hướng phản ánh đúng bản chất của các nghiệp vụ phát sinh cũng như phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp, tuy nhiên thông tư 200 vẫn còn tồn tại một số hạn chế và vướng mắc nhất định, một trong số đó là cách hạch toán TSCĐ. Thực tế là liên quan đến việc hạch toán TSCĐ thì thông tư 200 đã hướng dẫn rất chi tiết, và vướng mắc phát sinh là do bắt nguồn từ việc có những hướng dẫn hạch toán TSCĐ theo thông tư 200 không thống nhất với Chuẩn mực kế toán quốc tế về TSCĐ là IAS 16. Cụ thể như sau:

Thông tư 200 quy định rất chi tiết về cách thức xác định tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ trong trường hợp TSCĐ có nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau thành một hệ thống, để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định. Trong khi đó thì IAS số 16 lại để doanh nghiệp chủ động xét đoán khi áp dụng tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ trong từng trường hợp cụ thể. Do đó mà sẽ có những trường hợp, giữa thông tư 200 và IAS 16 sẽ phát sinh mâu thuẫn trong ghi nhận TSCĐ, kết quả là sẽ có sự khác nhau trong ghi nhận TSCĐ giữa các doanh nghiệp.

Một vướng mắc nữa là liên quan đến xác định nguyên giá TSCĐ giữa thông tư 200 và IAS 16. Cụ thể, theo thông tư 200 thì nguyên giá của TSCĐ do mua sắm sẽ gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Và so với IAS 16 thì thông tư 200 còn hạn chế ở chỗ là trong nguyên giá TSCĐ chưa đề cập đến các khoản chi phí ước tính ban đầu do phá huỷ, điều chuyển và khôi phục vị trí, mặt bằng đặt TSCĐ. Đây là một hạn chế của thông tư 200, bởi thực tế thì các chi phí đó cũng được chi ra nhằm mục đích để có thể tạo điều kiện để TSCĐ sẵn sàng hoạt động.

Xem thêm: Cách hạch toán hàng biếu tặng theo thông tư 200

Một hạn chế nữa là khi xác định nguyên giá TSCĐ theo TT200 thì còn thiếu nội dung về ghi giảm nguyên giá, trong trường hợp phát sinh các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế mà làm giảm giá trị TSCĐ mà bên mua phải thanh toán.

Một vấn đề nữa là liên quan đến trường hợp mua TSCĐ được kèm thêm thiết bị, phụ tùng thay thế. Vướng mắc ở đây là liên quan đến việc chưa có hướng dẫn cụ thể về giá trị hợp lý của thiết bị, phụ tùng thay thế đó. Hoặc là trường hợp mua TSCĐ mà được khuyến mại, cho, tặng các dịch vụ liên quan đến TSCĐ đó thì thông tư 200 mới chỉ hướng dẫn hạch toán cho bên bán hàng mà chưa có hướng dẫn cho bên mua hàng.

Thậm chí, trong thông tư 200 thì cùng một nội dung về TSCĐ nhưng lại có hướng dẫn hạch toán khác nhau. Cụ thể là, về khoản “Chi phí nghiên cứu và chi phí cho giai đoạn triển khai không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình” thì theo Nguyên tắc kế toán Chi phí trả trước thì được ghi nhận ngay là chi phí SXKD, không ghi nhận là chi phí trả trước, nhưng theo Nguyên tắc kế toán TSCĐ vô hình thì có thể ghi nhận là chi phí SXKD trong kỳ hoặc được phân bổ dần vào chi phí SXKD trong thời gian tối đa không quá 3 năm cũng được.

Hoặc một hạn chế nữa của thông tư 200 là chưa có quy định về việc dừng ghi nhận TSCĐ trong trường hợp TSCĐ đó không mang lại lợi ích kinh tế.

Có thể bạn quan tâm: Phần mềm ERP của BRAVO