Những kiến thức cần nắm về chi phí sản xuất

Những kiến thức cần nắm về chi phí sản xuất

1037

Trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế mạnh mẽ, môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng ngày càng được ổn định và mở rộng, điều này đã và đang đem lại rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để nâng cao sức cạnh tranh thì các doanh nghiệp cần phải chú trọng ngay từ khâu quản trị chi phí, mà cụ thể là chi phí sản xuất.

  1. Một số kiến thức cơ bản về Chi phí sản xuất:

Chi phí sản xuất được xem là tổng số các hao phí lao động sống cũng như lao động vật hóa được biểu hiện bằng tiền phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, chi phí sản xuất là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để mua các yếu tố đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất.

Trong nền kinh tế hàng hóa như hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều phải quan tâm đến chi phí sản xuất. Việc giảm thiểu chi phí sản xuất đồng nghĩa với việc gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Xem thêm: Những cách thức tính giá thành phổ biến hiện nay

  1. Phân loại chi phí sản xuất:

Chi phí sản xuất liên quan tới hoạt động sản xuất nên cũng bao gồm rất nhiều loại chi phí. Vì vậy, cũng có nhiều cách để phân loại chi phí sản xuất theo những tiêu chí khác nhau.

  • Phân loại theo yếu tố chi phí:

Phân loại theo tiêu thức này, doanh nghiệp không phân biệt nơi chi phí phát sinh cũng như mục đích của chi phí, mà theo nội dung kinh tế. Theo yếu tố chi phí thì chi phí sản xuất bao gồm:

- Chi phí nguyên vật liệu: là toàn bộ chi phí về nguyên vật liệu được doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động sản xuất.

- Chi phí nhân công: là toàn bộ số tiền lương, tiền công phải trả hay tiền trích BHXH, BHYT, KPCĐ của nhân viên trong doanh nghiệp.

- Chi phí khấu hao TSCĐ: là giá trị khấu hao mà doanh nghiệp phải trích cho TSCĐ sử dụng phục vụ sản xuất.

- Chi phí mua ngoài: là số tiền mà doanh nghiệp chi trả cho các dịch vụ mua từ bên ngoài phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh như: tiền điện nước, điện thoại…

- Chi phí bằng tiền khác: là toàn bộ các khoản chi phí khác mà doanh nghiệp trả bằng tiền mặt dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, như: chi phí tiếp khách, hội họp…

Mục đích của cách phân loại trên là giúp doanh nghiệp biết được chi phí sản xuất gồm những loại nào, số lượng, giá trị từng loại chi phí là bao nhiêu.

  • Phân loại theo khoản mục chi phí:

Phân loại theo tiêu thức này thì căn cứ vào công dụng của chi phí, cụ thể:

- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: là toàn bộ chi phí thực tế của các loại nguyên vật liệu được sử dụng trực tiếp cho sản xuất.

- Chi phí nhân công trực tiếp: là tiền lương và các khoản phải trả trực tiếp cho công nhân sản xuất, các khoản trích theo lương của công nhân sản xuất như kinh phí công đoàn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

- Chi phí sử dụng máy thi công: là chi phí thường xuyên và chi phí tạm thời sử dụng máy thi công.

- Chi phí sản xuất chung: là các khoản chi phí sản xuất liên quan đến việc phục vụ và quản lý sản xuất, bao gồm có: chi phí nhân viên phân xưởng, chi phí vật liệu, chi phí dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác bằng tiền.

Mục đích của cách phân loại này là giúp doanh nghiệp tìm ra các nguyên nhân làm thay đổi giá thành so với định mức, từ đó tìm ra các biện pháp hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

  • Phân loại theo mối quan hệ giữa chi phí và khối lượng sản xuất sản phẩm:

Dựa vào mối quan hệ này, chi phí sản xuất bao gồm:

- Chi phí cố định: là những khoản chi phí mang tính tương đối ổn định, không phụ thuộc vào số lượng sản phẩm sản xuất được trong một mức sản lượng nhất định. Khi sản lượng sản phẩm tăng thì chi phí tính trên một sản phẩm có xu hướng giảm.

- Chi phí biến đổi: là những khoản chi phí thay đổi phụ thuộc vào số lượng sản phẩm, nhưng chi phí biến đổi tính cho một sản phẩm thì lại mang tính ổn định.

Mục đích của cách phân loại theo tiêu thức mối quan hệ này giúp doanh nghiệp phân tích được điểm hòa vốn, giúp ích cho việc ra quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Ý nghĩa của chi phí sản xuất:

Chi phí sản xuất là tổng số các hao phí bằng tiền phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nói chi phí sản xuất là thước đo giá trị đầu vào của doanh nghiệp, là một chỉ tiêu mà doanh nghiệp cần quan tâm và đánh giá.

Không chỉ doanh nghiệp mà bản thân người tiêu dùng và xã hội đều quan tâm đến chi phí sản xuất. Bởi, giảm chi phí sản xuất cũng chính là làm tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của doanh nghiệp, đồng thời cũng làm tăng lợi ích cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất chỉ là một phần của chi phí sản phẩm. Vì vậy khi tính giá thành của sản phẩm, phải xem xét toàn bộ chi phí liên quan chứ không chỉ nhìn vào mỗi chi phí sản xuất.

Bài viết đã cung cấp những kiến thức cơ bản về chi phí sản xuất, hi vọng góp phần giúp doanh nghiệp đánh giá và nhìn nhận chính xác hơn về chi phí sản xuất, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả cao hơn. 

Có thể bạn quan tâm: Phần mềm quản lý sản xuất của BRAVO