Một doanh nghiệp dù có quy mô lớn hay nhỏ thì đều cần dự trữ một lượng tiền mặt nhất định, nhằm chủ động xử lý các tình huống phát sinh bất thường trong sản xuất kinh doanh. Cùng bài viết tìm hiểu rõ hơn về dự trữ tiền mặt và quản lý dự trữ tiền mặt trong doanh nghiệp.
- Dự trữ tiền mặt trong doanh nghiệp là gì?
Dự trữ tiền mặt trong doanh nghiệp là lượng tiền giấy được giữ ở trong két của doanh nghiệp. Dự trữ tiền mặt nhằm mục đích đảm bảo doanh nghiệp luôn có đủ lượng tiền mặt tối ưu tại mỗi thời điểm nhất định, đồng thời còn giúp doanh nghiệp chủ động trong việc chi tiêu.
- Quản lý tiền mặt dự trữ trong doanh nghiệp:
Liên quan đến tiền mặt dự trữ trong doanh nghiệp thì cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để nắm bắt được lượng tiền mặt doanh nghiệp hiện có là bao nhiêu, từ đó mới chủ động được trong việc lên kế hoạch và sử dụng nguồn tiền này.
Xem thêm: Cách hạch toán vốn góp kinh doanh bằng tiền mặt
Quản lý tiền mặt dự trữ nhằm kiểm soát được lượng tiền mặt có tại doanh nghiệp, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là chủ động trong việc tăng đầu tư tiền mặt nhàn rỗi nhằm thu lợi nhuận, trong khi vẫn duy trì mức thanh khoản hợp lý để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai của doanh nghiệp.
Quản lý tiền mặt cũng bao gồm việc phải nắm bắt được lượng tiền có thể đưa vào đầu tư là bao nhiêu và khoảng thời gian có thể đầu tư đối với khoản tiền đó là bao lâu. Khi việc thu và chi tiền diễn ra ăn khớp và có thể dự đoán trước được, doanh nghiệp sẽ chỉ cần duy trì một lượng tiền mặt thấp. Như vậy, trong quản lý tiền mặt, cần dự đoán chính xác được lượng tiền mặt cần có, nguồn tiền và mục đích chi trả, có như vậy mới đảm bảo thực hiện một cách đúng lúc các hoạt động huy động vốn, trả nợ và tính số tiền lưu chuyển giữa các tài khoản.
Một điều mà kế toán cần nắm được là lượng tiền mặt cần có phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình hình tiền mặt hiện có, kế hoạch thanh toán nợ, dòng tiền mặt dự kiến và những phương án sử dụng dòng tiền mặt. Quản lý tiền mặt dự trữ trong doanh nghiệp cũng không cần thiết phải để số dư tiền mặt quá lớn bởi vì đó là vốn không sinh lợi.
Vì lý do trên mà doanh nghiệp cần nhận thức được một điều là không cần giữ nhiều tiền mặt. Bởi, ngoài tiền mặt thì còn rất nhiều nguồn mà doanh nghiệp có thể tìm kiếm nếu có nhu cầu về tiền mặt, chẳng hạn như: vay tiền từ ngân hàng theo hạn mức tín dụng. Hơn nữa, tiền mặt dư ra còn có thể được dùng vào mục đích đầu tư vào các kênh như chứng khoán để thu lợi nhuận.
Một lưu ý liên quan đến quản lý tiền mặt là cần thúc đẩy thu tiền và trì hoãn thanh toán.
Đầu tiên là đẩy mạnh dòng tiền vào, để làm được điều này thì kế toán cần:
- Hiểu biết về nguồn và thực trạng tiền thu của công ty
- Nắm bắt được thông tin về tình hình tài chính của khách hàng
- Gửi giấy báo nợ những khoản nợ đến hạn của khách hàng
- Lập quy trình thanh toán tối ưu, sử dụng đa dạng các phương thức thu tiền
Về vấn đề trì hoãn dòng tiền ra thì có nhiều cách như:
- Tận dụng hết lợi thế từ những điều khoản mua chịu
- Thanh toán vào ngày cuối cùng của thời hạn phải thanh toán. Công ty có thể vẫn đáp ứng được yêu cầu của nhà cung cấp đồng thời vẫn có thể sử dụng được khoản tiền đó lâu nhất có thể
- Trình bày với nhà cung cấp về tình hình tài chính của công ty. Nếu công ty cần trì hoãn thanh toán, cần phải đàm phán và có được sự tin tưởng và thông cảm từ phía nhà cung cấp
- Xem xét kỹ lưỡng khi chấp nhận thanh toán sớm để được hưởng chiết khấu của nhà cung cấp. Nó có thể có lợi cho công ty nhưng cũng có thể là một thiệt thòi cho công ty khi thanh toán sớm. Cần xem xét chi tiết các điều khoản;
Đối với các doanh nghiệp cỡ nhỏ, việc quản lý tiền mặt là điều cốt yếu cho sự sống còn của doanh nghiệp. Công ty thu được lợi nhuận là tín hiệu tích cực nhưng luồng tiền mặt trong công ty mới là điều cần thiết. Chính vì vậy, quản lý tốt tiền mặt mới chính là chìa khóa dẫn đến sự thành công cho doanh nghiệp.
Và một trong những nguyên nhân chính của việc quản lý tiền mặt kém chính là các doanh nghiệp thường cảm thấy rằng thiếu tiền mặt. Chủ doanh nghiệp cỡ nhỏ cho biết không có khả năng quản lý luồng tiền mặt là vấn đề chính yếu nhất của họ. Quản lý tốt luồng tiền mặt không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua được các giai đoạn khó khăn mà còn tạo cho doanh nghiệp cơ hội để đầu tư chiến lược hoặc giảm thiểu chi phí.
Như vậy, bài viết đã trình bày khá chi tiết về những vấn đề liên quan đến quản lý tiền mặt. Hi vọng đã cung cấp những kiến thức tham khảo hữu ích cho các bạn đọc.
Xem thêm: Phần mềm ERP của BRAVO