Khái niệm, mô hình và cách phân bổ chi phí sản xuất chung trong DN

Khái niệm, mô hình và cách phân bổ chi phí sản xuất chung trong DN

184

Phân bổ chi phí sản xuất chung là công việc cần thiết để tối ưu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đặc biệt tại các doanh nghiệp sản xuất.

1. Khái niệm Chi phí sản xuất chung là gì?

Chi phí sản xuất chung được xác định là các khoản chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung trong phạm vi phân xưởng sản xuất. Đây là một thành phần thuộc chi phí sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Chi phí sản xuất chung được hạch toán bằng tài khoản 627 và không có số dư cuối kỳ.

Dựa vào mục đích chi trả, chi phí sản xuất chung bao gồm các loại chi phí sau:

  • Chi phí chi trả cho nhân viên tại xưởng bao gồm: tiền lương, tiền ăn giữa ca, phụ cấp, BHXH và kinh phí công đoàn.
  • Chi phí nguyên vật liệu dùng chung cho hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định trong phân xưởng.
  • Chi phí công cụ sản xuất được sử dụng tại phân xưởng
  • Chi phí khấu hao tài sản cố định trong phân xưởng như máy móc, thiết bị nhà xưởng;
  • Chi phí dịch vụ mua ngoài để phục vụ cho hoạt động sản xuất tại xưởng có thể kể đến như: chi phí điện nước, sửa chữa, thuê ngoài, chi phí trả cho nhà thầu phụ…
  • Các chi phí bằng tiền khác.

2. Mô hình phân bổ chi phí sản xuất chung (SXC)

  • Mô hình phân bổ sử dụng một tiêu chuẩn phân bổ duy nhất

Với mô hình phân bổ này, nhà quản trị cho rằng giữa việc sử dụng nhân công và chi phí sản xuất chung có mối quan hệ với nhau. Vì vậy, khi lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí SXC thông qua việc phân bổ số giờ công và ca máy hoạt động hợp lý. Ưu điểm của mô hình này là thực hiện đơn giản nhưng độ chính xác không cao; chỉ phù hợp áp dụng tại các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ mang tính thủ công và chi phí SXC chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá thành sản xuất.

  • Mô hình Phân bổ theo bộ phận:

Nhiều công ty đã áp dụng mô hình phân bổ chi phí sản xuất chung dựa trên nhiều tiêu chuẩn phân bổ khác nhau ở từng bộ phận phát sinh chi phí. Theo mô hình này thì doanh nghiệp cần thực hiện 2 bước:

  • Tập hợp chi phí SXC phát sinh ở từng bộ phận (từng trung tâm chi phí).
  • Tiến hành phân bổ chi phí SXC cho từng sản phẩm, dịch vụ (dùng nhiều tiêu thức phân bổ khác nhau cho phù hợp và hợp lý).

Đây là mô hình giúp khắc phục được nhược điểm của mô hình 1, giá thành từng loại SP, dịch vụ chính xác hơn. Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp có nhiều chủng loại sản phẩm và quy trình sản xuất phức tạp thì mô hình này cũng gây ra nhiều khó khăn.

  • Phân bổ theo mô hình ABC

Mô hình phân bổ chi phí sản xuất chung ABC được thực hiện theo hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Tập hợp chi phí sản xuất chung theo các bộ phận và hoạt động.

Giai đoạn 2: Phân phối chi phí cho từng loại sản phẩm, dịch vụ. Ở giai đoạn này, chi phí đã được tập hợp theo các hoạt động sẽ tiếp tục được phân phối cho từng sản phẩm, dịch vụ.

Ưu điểm của mô hình này sẽ giúp nhà quản lý thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát chi phí, cung cấp thông tin phong phú, đa chiều. Điểm hạn chế đó chính là khối lượng công việc của kế toán là rất lớn và phức tạp. Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của công nghệ số, doanh nghiệp có thể áp dụng các phần mềm kế toán chuyên nghiệp để hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

3. Cách phân bổ chi phí sản xuất chung

Để phân bổ được toàn bộ các chi phí sản xuất chung thì kế toán cần được phân bổ chính xác từng loại chi phí sau:

Phân bổ chi phí nhân công tại nhà máy, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản 334

Phân bổ chi phí khác như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản338

Phân bổ chi phí công cụ sản xuất, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản 153 hoặc 242

Phân bổ Chi phí dịch vụ mua ngoài, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Nợ tài khoản 133
    • Có TK 111, 112, 331

Phân bổ chi phí đi vay phải trả và hòa vốn kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản 111, 112, 335 (Chi phí phải trả), 242 (Chi phí trả trước)

Kết chuyển giá thành thành phẩm cuối kỳ:

  • Nợ tài khoản 154
    • Có tài khoản 627

Các khoản khấu trừ chi phí:

  • Nợ tài khoản 111, 112, 138
    • Có tài khoản 627

Phân bổ Chi phí nguyên vật liệu hạch toán như sau:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản 152

Phân bổ Khấu hao tài sản cố định, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản 214

Phân bổ Chi phí bằng tiền khác, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
  • Nợ tài khoản 133
    • Có tài khoản 111, 112

Phân bổ Chi phí dự phòng bảo hành công trình xây dựng, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 627
    • Có tài khoản 352

Chi phí sản xuất cố định không được phân bổ vào giá thành sản phẩm, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 632
    • Có tài khoản 627

Phân bổ Chi phí hợp đồng kinh doanh, kế toán ghi:

  • Nợ tài khoản 138
    • Có tài khoản 627
    • Có tài khoản 3331

>>> Có thể bạn quan tâm: Ba loại chi phí chính tạo nên giá thành sản phẩm